Điều kiện tự nhiên
1. Đặc điểm tự nhiên:
1.1. Vị trí địa lý.
Xã Xuân Phổ với diện tích tự nhiên 588,66 ha; nằm ở phía bắc và cách trung tâm huyện Nghi Xuân 5 km; Cách Thành phố Vinh 15 km và cách Thành Phố Hà Tĩnh 55 km.
Phía Bắc: Giáp xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân
Phía nam: Giáp xã Xuân Hải, huyện Nghi xuân
Phía Đông: Giáp Biển Đông
Phía Tây: Giáp Sông Lam
Có đường Tỉnh lộ 1 chạy từ ngã ba Gia Lách xuống Xuân Hội đi qua trung tâm xã dài 2 km; có đường 8B nối dài từ cảng Xuân Hải đến cảng Quân sự (Cảnh sát biển đóng trên địa bàn).
1.2. Đặc điểm địa hình, khí hậu.
Địa hình tương đối bằng phẳng nhưng diện tích sản xuất hoa màu lại thường là ruộng lòng chảo. Đất đai không đồng đều, bạc màu, thường ngập úng vào mùa mưa, khô hạn vào mùa nắng; có sông Lam chạy qua với chiều dài là 2 km, bờ biển dài trên 2km. Do vậy, việc tiêu úng vào mùa mưa tương đối thuận lợi, nhưng cũng gây ra nhiều khó khăn cho việc sản xuất các loại hoa màu vì đất đai bị nhiễm mặn. Hệ thống thoát nước qua đê sông Lam chỉ qua một cống chính vừa cung cấp và thải nước cho gần 50 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, lợ.
Do ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới gió mùa và ảnh hưởng khí hậu gió Lào nên nhìn chung khí hậu khắc nghiệt và được phân chia thành 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12, mùa khô từ tháng 1 đến tháng 8. Trong năm chủ yếu chịu ảnh hưởng gió mùa Đông bắc vào mùa lạnh từ tháng 9 đến tháng 12 và gió Tây - Tây Nam (Gió Lào) vào mùa nắng từ tháng 4 đến tháng 8.
2. Tài nguyên:
2.1. Tài nguyên đất: Đất đai chủ yếu là cát và cát pha, một số diện tích thịt nhẹ, không lún, không sụt lở, ruộng sản xuất thường là ruộng lũng chảo, bạc màu.
Tổng diện tích đất tự nhiên là: 588,66 ha, trong đó đất Nông nghiệp: 286,11 ha; đất phi Nông nghiệp: 181,33 ha…
2.2. Tài nguyên rừng: Diện tích đất rừng: 103,4 ha, trong đó đất rừng trồng sản xuất: 86,3ha; đất rừng trồng phòng hộ: 17,1 ha (rừng ven biển chủ yếu là cây phi lao, bạch đàn, keo...) Hiện đang đã giao cho các hộ gia đình quản lý và sử dụng 17,1ha.
2.3. Tài nguyên nước:
- Nước ngầm: Nguồn nước ngầm khá dồi dào và dễ khai thác ở độ sâu từ 2 đến 3 mét.
- Nước mặt: Chạy dọc xã về phía tây có dòng Sông Lam chạy qua với chiều dài gần 2 km, tổng diện tích mặt nước toàn xã hiện có 84 ha, ao hồ chủ yếu dùng nuôi trồng thủy sản và phục vụ tiêu nước mùa mưa bão, không có ao hồ lớn phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp; diện tích đang sử dụng để nuôi trồng thuỷ sản:
Diện tích quy hoạch nuôi trồng: 70,01 ha, trong đó:
+ Nuôi trồng nước mặn, lợ: 46 ha (Đã nuôi thâm canh 17ha)
+ Nuôi trồng nước ngọt: 24,01 ha.
Diện tích rừng sản xuất chuyển sang nuôi tôm trên cát (đã tổ chức nuôi với hình thức công nghệ cao): 18 ha
2.4. Khoáng sản: Hiện tại trên địa bàn đang có quy hoạch mỏ Titan Phổ Thịnh vùng bãi cát ven biển theo thông báo của tổng cục khoáng sản năm 2003, diện tích và trử lượng không có số liệu cụ thể.
2.5 Tài nguyên biển: Có chiều dài bờ biển 2 km, bờ cát rộng có tiềm năng để khai thác nghề đánh bắt và du lịch biển trong tương lai gần.
3. Nhân lực:
Số hộ: 1.216 hộ
Nhân khẩu 4.169 người, trong đó số lao động có việc làm thường xuyên có 2.094/2.191 lao động chiếm 95,57% dân số; trình độ dân trí cao, đặc biệt trong nguồn nhân lực hầu hết đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai, đào tạo nghề cho lao động có nhiều thuận lợi.
4. Xã hội:
Xã có 2 trường học: Mầm non và Tiểu học; Trường Mầm non năm học 2017/2018 với quy mô 10 nhóm, lớp, 318 học sinh, Trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 từ năm 2013; Trường Tiểu học năm học 2017/2018 với quy mô 11 lớp, 307 học sinh, Trường đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 từ năm 2013; Trường THCS phổ Hải là trường chung của 2 xã đóng trên địa bàn xã Xuân Hải với tổng só học sinh năm học 2017/2018 là trên 440 em, trong đó học sinh của Xuân Phổ chiếm mức 50%, Trường đã được kiểm tra và công nhận lại chuẩn Quốc gia vào năm 2017; hiện tại cả 3 trường học đều được xếp ở tốp đầu của huyện về chất lượng dạy và học; phong trào xã hội học tập, công tác khuyến học, khuyến tài được đảng bộ và nhân dân hết sức quan tâm.
Trạm Y tế xã là một đơn vị đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2015/2020, hiện nay cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, các trang thiết bị phục vụ khàm và chữa bệnh được xã hội hóa khá tốt, nhất là huy động từ con em xa quê làm ăn thành đạt.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì một cách thường xuyên, nhất là tập trung vào các hoạt động của các câu lạc bộ dân ca ví giặm Nghệ tĩnh tại các thôn xóm.
Tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 là: 4,84% (không tính các hộ thuộc diện Bảo trợ xã hội).
Tỷ lệ gia đình văn hóa năm 2017 là 92%, hiện nay 100% Thôn đều được công nhận là Thôn văn hóa.
Trên địa bàn xã trong thời gian qua đã tiến hành khôi phục, xây dựng lại một số di tích, một số Đền, Chùa. Đặc biệt có Việt nam Trần triều điện được đầu tư xây dựng nguy nga, tráng lệ trên vùng đất thuộc Thôn 5 (làng Kiều Lĩnh trước đây); Đền Đồng mòi được công nhận di tích cấp Tỉnh năm 2017; Chùa Mãn Nguyệt tại Thôn 6; các Đền, Chùa tại địa phương là điểm đến tham quan, du lịch tâm linh cho khách thập phương.
5. Đánh giá tiềm năng của xã
Tiềm năng lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế đó là: Là vùng bãi ngang ven biển, địa bàn gần Sông, gần biển nên rất có lợi thế cho phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ nhất là nuôi tôm trên cát, cần tập trung quy hoạch, khai thác lợi thế để phát triển;
Có chiều dài bờ biển trên 2 km nên có thể khai thác lợi thế nuôi trồng, đánh bắt thủy sản gắn với du lịch biển.
Là địa phương có diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là cát pha nên thuận lợi cho phát triển các loại cây trồng màu, có thể trồng rau, trồng hoa, cây cảnh phục vụ tại chỗ và là nguồn hàng cung cấp cho thị trường 2 Thị trấn, khu công nghiệp Gia lách trong tương lai và cho thành phố Vinh.
Là địa phương có tiềm năng để duy trì và phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm công nghệ cao, nuôi thâm canh.
Trình độ dân trí của người dân khá cao và khá đồng đều, điều kiện tiếp cận các kiến thức xã hội, khoa học kỷ thuật khá thuận lợi do cho các phương tiện thông tin đại chúng được phủ sóng rộng khắp; Nguồn nhân lực khá dồi dào, đặc biệt là nhân lực trong độ tuổi lao động, lại có nghề mộc từ xa xưa, là nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận nên không cần phải tuyên truyền vận động mà phần lớn lao động nam của địa phương đều có thể làm được, điều kiện máy móc, phương tiện kỷ thuật phục vụ sản xuất rất dồi dào, thị trường tiêu thụ sản phẩm rất thuận lợi; chỉ cần tập trung thành lập các tổ hợp tác, đào tạo, nâng cao tay nghề, nhất là kỷ thuật mỹ nghệ, khắc chạm, xây dựng thương hiệu, xây dựng các tổ hợp tác làm ăn, xây dựng làng nghề để duy trì và phát triển nghề cũng như tạo công ăn việc làm cho số đông lao động địa phương, nhất là lao động nam; Tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội trong thời gian vừa qua cơ bản ổn định. Hệ thống chính trị của địa phương thường xuyên được củng cố và duy trì tốt, giữ vững là đơn vị vững mạnh trong nhiều năm liền.
Là một xã Nông thôn mới được công nhận từ năm 2015; xã Nông thôn mới nâng cao 2020 và đến nay phong trào vẫn được duy trì, các tiêu chí tiếp tục được đầu tư nâng cấp, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn nhất định, đặc biệt là với một xã ở khu vực bãi ngang ven biển nên dễ bị tổn thất do thiên tai, bão lụt.
Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân địa phương sẽ đoàn kết, vượt qua khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế, tận dụng tốt thời cơ để tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.